Chị Nga là nhân viên phòng kế toán, chín chắn, đã tốt nghiệp đại học. Người yêu của chị là anh Thành, nghiêm túc, hòa nhã. Tình yêu giữa họ kéo dài đã bốn năm, dự định sẽ kết hôn vào năm tới. Mỗi tuần một lần, anh Thành ghé cơ quan đưa chị đi ăn trưa. Có lần anh bị bệnh nặng, chị Nga đến nhà chăm sóc, được cha mẹ anh chấp nhận, quý mến, xem như con dâu tương lai. Phòng kế toán có thêm một nhân viên mới tên là Hà. Hà dáng gầy, nhỏ nhẹ, ít nói. Giờ nghỉ trưa, chị ít khi ngủ mà thích đan hay móc: tấm lót bình hoa, rèm, túi xách... Nhìn những ngón tay của chị đan nhanh thoăn thoắt, thật thích mắt. Anh Thành ghé thăm chị Nga thường hơn, hầu như mỗi trưa. Đến ngày nọ, chị Nga đột ngột khóc, tâm sự với chị trưởng phòng tổ chức rằng chị Hà cướp người yêu của chị. Hóa ra thời gian sau này, anh Thành đến cơ quan để gặp chị Hà chứ không phải chị Nga. Cơ quan khó có thể giúp gì cho chị Nga vì họ chưa kết hôn. Chị Hà thôi việc. Anh Thành cũng không ghé cơ quan. Chị Nga không còn nhắc đến anh nữa. Trông chị ủ rũ, buồn thảm. Sau này, tình cờ chị em trong phòng biết anh Thành và chị Hà đã kết hôn. Ai cũng thấy thật tội cho chị Nga, bốn năm chờ đợi, cuối cùng lại vẫn một thân một mình trong cay đắng. Kỹ sư Nam và Hương là một cặp đẹp đôi, cùng làm chung một cơ quan. Nam ít nói, sống nội tâm, thích đọc sách; còn Hương hồn nhiên, xinh đẹp, đôi mắt trong veo như mắt nai. Một tuần, họ ăn trưa ba ngày ở tiệm, những ngày còn lại, Hương tự nấu những món ăn Nam thích. Cô chăm sóc anh chu đáo, không đùa với những chàng trai khác như khi chưa có Nam. Gia đình Hương khá giả, cha mẹ cô lại rất quý Nam. Dường như mối tình vẹn toàn này chỉ chờ đến màn đẹp nhất là lễ cưới. Thế rồi thiệp hồng cũng được Nam gửi đến như mong đợi của mọi người trong cơ quan. Thế nhưng, khi mở thiệp hồng, ai cũng ngã ngửa khi tên cô dâu không phải là Hương mà là một người con gái khác. Bạn bè ngỡ ngàng, hỏi Hương, Hương chỉ biết khóc. Thời gian dài sau đó, Hương thật khốn khổ khi ai cũng tỏ ra thương hại cô, nhất là sau khi đám cưới của Nam thành công tốt đẹp. Xa mặt còn đỡ, đằng này mỗi ngày lại chạm mặt Nam nên Hương luôn phải lảng tránh Nam cũng như ánh mắt tò mò của đồng nghiệp. May mà sau đó, Hương đã có một tình yêu mới. Anh chàng này được phong chức “hiệp sĩ” vì anh cũng làm cùng cơ quan. Thúy, người yêu của chàng An lãng tử làm việc gần công ty của anh. Ngày nào An cũng chở cô đến sở. An lái xe, thỉnh thoảng lại buông một tay để nắm tay cô, thật thắm thiết. Cô là người mẫu yêu kiều của An. Nguồn cảm hứng từ cô nơi An như không bao giờ cạn. Các bức tranh chân dung của Thúy lung linh nơi phòng và xưởng vẽ của An. Nhưng rồi cuối cùng người được An chọn làm bạn đời lại là một phụ nữ khác, là em gái một người bạn chứ không phải Thúy. Ở những trường hợp trên, các chàng trai đều không phải là những kẻ háo sắc, lắm người tình. Họ cũng không lợi dụng tiền bạc nơi người yêu “lỡ hẹn”. Với những người tin vào số phận, có lẽ ông tơ bà nguyệt đã chơi trò oái oăm, xe tơ nửa chừng rồi lại tháo ra nên duyên đứt đoạn. Một số chị lý giải mối tình đầu tiên nói trên “gần như là tình yêu”, cho đến khi anh chàng gặp được đúng người ý hợp tâm đầu. Chị Nga lại chua chát lý giải: “Không duyên, không nợ, nên chẳng vợ, chẳng chồng”. Dù gì đi nữa, cảnh huống của Nga, Hương hay Thúy đều thật bẽ bàng. Hạnh phúc tưởng như trong tầm tay thế mà vuột mất. Âu cũng là bài học quý để những bạn trẻ trước khi bước vào ngưỡng cửa hôn nhân có cách nhìn đúng đắn và có trách nhiệm với chính tình cảm của mình để không rơi vào cảnh tình dang dở, gây đau khổ cho nhau... |
Theo Người lao động |
Diễn đàn Lớp 12c7- Một thời để nhớ - Trường cũ tình xưa