Chỉ huy đầu tiên đội Du kích Ba Tơ
Trung tướng Phạm Kiệt (1910-13h ngày 23/1/1975), nguyên Tư lệnh kiêm Chính ủy Lực lượng công an vũ trang, nguyên Cục phó Cục bảo vệ Tổng cục chính trị. Ông là chỉ huy đầu tiên của Đội du kích Ba Tơ.
Ngoài ra ông cũng từng là Thứ trưởng Bộ công an, Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa 3 và 4.
Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương chiến công hạng Nhất…
Ông được phong quân hàm Trung tướng năm 1974.
Trung tướng Phạm Kiệt sinh ra trong một gia đình lao động nghèo nhưng rất giàu nghĩa khí anh hùng cách mạng tại xã An Phú, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Mẹ ông tham gia phong trào văn thân chống Pháp. Bốn anh em đều hoạt động bí mật cho Đảng, đều bị tù đầy, tra tấn dã man nhưng không ai khuất phục kẻ thù. Riêng ông, năm 15 tuổi (1925) đã tham gia các hoạt động yêu nước ở quê hương.
Năm 1929, 19 tuổi, ông vào tổ chức Việt Nam Cách mạng thanh niên (Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội). Ngày 17/1/1931, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, là Huyện ủy viên phụ trách Công hội đỏ và chỉ huy Đội xích vệ xã. Do tuyên truyền, cổ động nhân dân huyện nhà sôi nổi ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, ông bị thực dân Pháp bắt giam qua các nhà lao ở Quảng Ngãi và đày đi Buôn Ma Thuột, bị án tử hình sau giảm xuống tù chung thân.
Tại nhà lao Buôn Ma Thuột, ông là người dám vung xẻng phang một đòn chí mạng vào vai tên cai ngục đang đánh đập tàn nhẫn đồng chí mình làm xâu, khiến hắn vô cùng khiếp đảm, từ đó về sau chùn tay và hễ thấy ông là vội lảng tránh đi nơi khác. Ông cũng là người đã lập kế hoạch cho các ông Nguyễn Chí Thanh và Lê Tất Đắc trốn khỏi nhà lao Buôn Ma Thuột. Về sau, khi phát hiện ông là kẻ chủ trò, địch đã tra tấn, đánh đập anh một trận thập tử nhất sinh, nhưng khi tỉnh dậy vẫn bình thản nói với đồng chí: "Thà mình chết, đừng để cho Đảng bị thiệt hại".
Năm 1943, mãn hạn tù, thực dân Pháp đưa ông về quản thúc ở căng an trí Ba Tơ, nhằm cô lập, cách ly người cộng sản với quần chúng nhân dân, giết dần giết mòn trong lao động khổ sai và bệnh tật. Ông nuôi vịt đồng để dễ bắt liên lạc với đồng chí. "Anh chăn vịt" này đã đem những điều tâm đắc học hỏi được ở các đồng chí Hồ Tùng Mậu, Bùi San, Lê Chưởng, Trương Quang Lệnh, Trần Mạnh Quỳ trong nhà lao Buôn Ma Thuột, truyền đạt lại cho đồng chí mình rằng : ‘’Thời cơ lớn đã đến. Phát xít Đức, Ý, Nhật nhất định thất bại hoàn toàn. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chưa chết như địch tung tin vịt, đã trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Phải gấp rút xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, sâu rộng trong nhân dân và trong binh lính địch. Lập căn cứ địa và xây dựng lực lượng vũ trang. Khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa…’’
Cũng chính ông, ngày Nhật đảo chính Pháp 9/3/1945, theo sự phân công của Tỉnh ủy Quảng Ngãi lâm thời, đã trở thành người Chỉ huy trưởng làm nên thắng lợi lịch sử của cuộc khởi nghĩa Ba Tơ nổi tiếng (những người lãnh đạo khởi nghĩa Ba Tơ khi đó là ông, Trung tướng Nguyễn Đôn, Đại tá Nguyễn Khoách-cùng với Thiếu tướng Võ Bẩm là hai người tiên phong mở đường Trường Sơn sau này).
Ðội du kích Ba Tơ và cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ. Từ sự phát triển của phong trào quần chúng cách mạng, sau khi bàn bạc, thống nhất kế hoạch đánh chiếm đồn địch, kế hoạch khởi nghĩa, ngày 11-3-1945, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi quyết định thành lập đội võ trang xung kích, gồm 17 người tuyển chọn từ các tù chính trị ở căng an trí Ba Tơ; đồng thời chỉ định ông làm chỉ huy trưởng, ông Nguyễn Ðôn làm chính trị viên. Vũ khí trang bị phần lớn là gươm, giáo và bảy khẩu súng.
Ngay buổi tối hôm đó, đội du kích đã đột nhập Nha Kiểm lý, nhanh chóng thu toàn bộ súng đạn, hồ sơ và bắt Bùi Danh Ngũ, Tri châu Ba Tơ và một số binh lính; rồi dùng vũ khí thu được, có sự hỗ trợ của đông đảo quần chúng, đội lập tức tiến công đồn Ba Tơ thắng lợi. Sáng 12-3-1945, trong không khí hào hứng và trang nghiêm của cuộc mít-tinh mừng thắng lợi của cuộc khởi nghĩa, Ðội du kích Ba Tơ chính thức ra mắt trước quần chúng nhân dân. Ðây là đội vũ trang tập trung đầu tiên của nhân dân Quảng Ngãi do Ðảng cộng sản Việt Nam trực tiếp tổ chức và lãnh đạo.
Giữa tháng 6-1945, Tỉnh ủy lâm thời quyết định thành lập Ban quân sự đồng thời là Ban chỉ huy Ðội du kích Ba Tơ. Ông Nguyễn Chánh được chỉ định làm Trưởng ban, ông và ông Nguyễn Ðôn làm Phó ban. Du kích Ba Tơ là đội vũ trang tập trung đầu tiên ở Nam Trung Bộ không chỉ kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển của phong trào cách mạng ở tỉnh Quảng Ngãi, mà còn có tác dụng mạnh mẽ, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy phong trào đấu tranh chống phát-xít Nhật, cứu nước của nhân dân các tỉnh Nam Trung Bộ.
Đội du kích Ba Tơ, là nòng cốt cho nhân dân Quảng Ngãi vùng lên tổng khởi nghĩa vào ngày 14/8/1945 - một trong số ít địa phương cướp được chính quyền về tay nhân dân sớm nhất trong cả nước. Khi đó, ông là Ủy viên Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Quảng Ngãi.
Cuối tháng 9/1945, Xứ ủy và Uỷ ban Nhân dân Trung bộ thành lập Ủy ban Quân chính Nam Phần Trung bộ do ông, ông Nguyễn Đôn, ông Trần Quang Giao phụ trách bao gồm các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Đắc Lắc và 4 tỉnh cực Nam Trung bộ: Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Viên và Đồng Nai Thượng nhằm bảo đảm hành lang và bàn đạp chuyển lực lượng Nam tiến và vũ khí của Trung ương và các tỉnh phía Bắc vào Nam bộ; đồng thời sẵn sàng đối phó với những cuộc tiến công của Pháp và chuẩn bị đưa lực lượng của mình vào tham chiến ở Nam bộ.
Năm 1946, ông là Đại đoàn trưởng Đại đoàn 31 thuộc Liên khu V.
Năm 1950, ông được triệu tập ra chiến khu Việt Bắc để đi nước ngoài bồi dưỡng quân sự. Ông gặp lại người bạn tù mà ông đã từng tổ chức vượt ngục cho đó là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh. Ông đề nghị anh Chủ nhiệm cho được phục vụ các chiến dịch để học hỏi thêm kinh nghiệm và sẽ đi học sau.
Từ 1952 - 1959, ông được bố trí làm Cục phó rồi Cục trưởng Cục Bảo vệ, Bí thư Đảng ủy Tổng cục Chính trị. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông được Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp cử đi kiểm tra công tác chuẩn bị chiến trường ở phía Đông Bắc. Ông đã đến tận trận địa pháo binh, phát hiện sự nguy hiểm khi bố trí trận địa pháo dã chiến tại một địa bàn tương đối bằng phẳng. Ông là người duy nhất lúc đó vì nghĩa lớn đã nói lên sự thật không ngần ngại, đã đề nghị Tổng tư lệnh xem xét lại kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh.
Tháng 8/1960, ông được Bác Hồ và Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Công an. Tháng 4/1961, ông được thăng cấp Thiếu tướng và được giao làm Tư lệnh kiêm Chính ủy một tổ chức an ninh mới ra đời, còn non trẻ: Lực lượng Công an nhân dân vũ trang.
Trên cương vị Tư lệnh kiêm Chính ủy Công an vũ trang, ông luôn khiêm tốn, chân tình đoàn kết chặt chẽ trong lãnh đạo Bộ Công an, điềm tĩnh, dân chủ, chịu khó lắng nghe ý kiến cấp dưới; tìm hiểu rất kỹ con người và sự việc; kiên trì sự thật và chân lý. Nhờ đó, ông đã góp phần cùng Công an nhân dân luôn hoàn thành xuất sắc công tác an ninh nội địa và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ an toàn các cơ quan đầu não và những chuyến công tác quan trọng của lãnh đạo Đảng, Chính phủ. Ông cũng đặc biệt tập trung sức xây dựng, củng cố vững mạnh hệ thống tổ chức an ninh biên giới, sông biển, hải đảo. Nhờ đó, gián điệp, thám báo, biệt kích, người nhái… do giặc Mỹ tung vào miền Bắc, hầu như bị xa lưới gần hết.
Ông còn chăm lo công tác an ninh cho miền Nam. Những năm 1963-1964, được trên chấp nhận, ông cho tuyển chọn con em miền Nam vào Công an nhân dân vũ trang, mở trường đào tạo và chi viện hàng trăm chiến sỹ an ninh cho chiến trường miền Nam. Ông hết lòng yêu thương chiến sỹ, ngày đêm lo toan cho cuộc sống của chiến sỹ. Ông luôn nhắc đồng chí Bí thư riêng cố gắng sắp xếp 1/3 thời gian trong năm để đi công tác cơ sở, đặc biệt là đi những đơn vị, những địa bàn xa xôi, gian khó nhất.
Năm 1967, bất kể đạn bom, ông đi thăm các đồn biên phòng phía Tây, thăm đội nữ pháo binh Ngư Thủy, Quảng Bình, tặng quà và động viên chiến đấu. Mùa đông năm 1968, ông đi hàng tháng liền trong tiết trời lạnh buốt; kiểm tra các đồn biên phòng suốt từ Lai Châu, Lào Cai đến Quảng Ninh. Đi đến đâu, ông cũng nhắc nhở chỉ huy đơn vị phải sắm đủ màn chống muỗi, chống sốt rét, làm nệm cỏ, tìm cách sưởi ấm, tăng gia sản xuất thêm.
Mùa hè năm 1973, dấu hiệu của căn bệnh ung thư đã rõ. Thế nhưng, ông vẫn trực tiếp tháp tùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Fidel Castro của Cuba đi thăm chiến trường Quảng Trị và đường Hồ Chí Minh. Trên đường về, Tê Đơ lại ghé thăm đơn vị nữ pháo binh Ngư Thủy, xem chị em sống ra sao, có đề đạt nguyện vọng gì...
Tháng 4/1974, ông được thăng cấp Trung tướng. Ông căn dặn các cán bộ làm công tác chế độ, chính sách nhất thiết không được mua sắm, trang bị vật dụng gì thêm cho ông, cho dù không phải là những tiện nghi sang trọng và đắt tiền.
13h ngày 23/1/1975, trái tim giàu chất sử thi anh hùng và nhân hậu của Trung tướng Phạm Kiệt ngừng đập!
Trung tướng Phạm Kiệt là một người có công lớn đối với sự hình thành và phát triển của Đội du kích Ba Tơ, các nhà nghiên cứu sử học và quân sự đánh giá rất cao vai trò của ông. Ông cũng được Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đánh giá rất cao vì là người góp phần quan trọng trong việc Đại tướng ra quyết định cuối cùng là chuyển phương châm từ ‘’đánh nhanh thắng nhanh’’ sang ‘’đánh chắc tiến chắc’’, một người có tư duy quân sự nhạy bén, cẩn trọng có tinh thần trách nhiệm cao, dám nói khi mà phần lớn bộ chỉ huy chiến dịch đã nhất trí kế hoạch ‘’đánh nhanh thắng nhanh’’. Ông cũng là người có công lao rất lớn đối với lực lượng Công an vũ trang từ khi mới được thành lập(tiền thân của Bộ đội biên phòng). Là người lãnh đạo lâu nhất của lực lượng này, ông đã lãnh đạo một lực lượng mới ra đời hoành thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới, anh ninh của miền Bắc trong hoàn cảnh chiến tranh phá hoại. Ông còn là một vị tướng có tấm lòng nhân ái, hết mực yêu thương và quan tâm đến cấp dưới, một tác phong lãnh đạo sâu sát gắn bó với quần chúng. Một người luôn luôn cống hiến tâm huyết và trí tuệ cho sự nghiệp chung của tổ quốc. Ông xứng đáng được xếp vào hàng ngũ ‘’công thần’’ của nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
(theo quansuvn)